I. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

1.1. Tình hình kinh tế - xã hội trong nước

Kinh tế – xã hội ba tháng đầu năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khơi thông. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và U-crai-na đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc làm gián đoạn tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 của các tổ chức quốc tế đều giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, đồng thời đạt được mục tiêu của Nghị Quyết Đại hội XIII, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.  Bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cùng với đó, sự ủng hộ của nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy tác động, hiệu quả, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Kinh tế – xã hội ba tháng đầu năm 2022 của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Một số nét khởi sắc về tình hình kinh tế quý I năm 2022 của nước ta như sau:

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý I năm 2022 có xu hướng dần phục hồi. Tăng trưởng kinh tế quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước đạt mức khá 5,03% (cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020), tạo đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 7,79%. Khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%, trong đó một số ngành dịch vụ thị trường đã thể hiện dấu hiệu phục hồi tích cực như bán buôn, bán lẻ tăng 2,98%; vận tải kho bãi tăng 7,06%

(Nguồn: Tổng cục Thống kê quý 1 năm 2022)

1.2. Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định

Với quyết tâm phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, ngay từ đầu năm Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự ủng hộ của Nhân dân và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế. Kinh tế - xã hội quý I/2022 tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội quý I năm 2022 như sau:

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I năm 2022 theo giá so sánh năm 2010 tăng khá 7,24% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực công nghiệp động lực thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh tăng 12,69%, cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi ngày càng gia tăng.

Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,10% so với cùng kỳ, đóng góp 0,76 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,17% so với cùng kỳ, đóng góp 4,42 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng; trong đó: ngành công nghiệp tăng 12,69% (đóng góp 3,86 điểm phần trăm), ngành xây dựng tăng 6,14%. Khu vực dịch vụ tăng 4,47% so với cùng kỳ, đóng góp 1,75 điểm phần trăm. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10,88%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

 Gieo cấy gieo cấy lúa, rau màu vụ Xuân đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi lợn dần phục hồi, chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định; dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt. Sản xuất thủy sản phát triển trong cả hoạt động khai thác và nuôi trồng.

Sản xuất vụ Xuân năm 2022 toàn tỉnh gieo cấy 72.000 ha lúa và gieo trồng 11.810 ha cây rau màu các loại (vụ xuân năm 2021, diện tích lúa đạt 71.790 ha, rau màu các loại 11.788 ha).

Tổng đàn và sản lượng gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ mở rộng quy mô, chăn nuôi lợn dần phục hồi. Ước tính cuối tháng 3/2022, đàn gia cầm tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021; đàn lợn tăng 0,1%; đàn trâu tăng 0,3% (+22 con); đàn bò giảm 1,7%.
          Sản xuất thủy sản trong quý I/2022 phát triển ổn định. Sản lượng thuỷ sản ước tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó: Thuỷ sản nuôi trồng tăng 7,6%, thuỷ sản khai thác tăng 2,3%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2022 tăng 10,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,38%, đóng góp 10,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,48%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,59%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 3,24%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm.

Một số ngành công nghiệp cấp II chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: Dệt tăng 12,40%; sản xuất trang phục tăng 16,94%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 55,68%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 10,46%…
       Hoạt động thương mại và dịch vụ quý 3 tháng đầu năm tiếp tục duy trì sự tăng trưởng, đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có những dấu hiệu khởi sắc khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh dần phục hồi.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I/2022 đạt 14.483,8 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu hoạt động thương nghiệp ước đạt 12.908,7 tỷ đồng, chiếm 89,1% tổng mức và tăng 10,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 759,3 tỷ đồng, tăng 6,4%; doanh thu du lịch lữ hành 1,6 tỷ đồng, giảm 33,2%; doanh thu dịch vụ khác 814,2 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
       Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm 2022 đạt 1.036,3 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 674,2 triệu USD, tăng 16,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 362,1 triệu USD, tăng 22,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 3 tháng đầu năm 2022 xuất siêu 312,1 triệu USD.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp 3 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu tích cực cho phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.

Quý I/2022 toàn tỉnh có 217 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.560 tỷ đồng, tăng 10,2% về số lượng doanh nghiệp (tăng 20 doanh nghiệp) và tăng 36,5% về vốn đăng ký (tăng 417 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,2 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh trong quý I/2022 là 312 doanh nghiệp, giảm 24,1% (giảm 99 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động đầu tư và xây dựng trên địa bàn quý I/2022 có những tín hiệu tích cực: Vốn đầu tư thực hiện ước tăng 9,5%; giá trị sản xuất ngành xây dựng ước tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý I/2022 ước đạt 8.793,6 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước 1.392,3 tỷ đồng, giảm 6,8%; vốn ngoài Nhà nước 6.744,1 tỷ đồng, tăng 15,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 657,2 tỷ đồng, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành quý I/2022 ước đạt 6.130,6 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thu hút đầu tư: Trong quý đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 04 dự án với tổng số vốn đăng ký là 47,82 tỷ đồng và 43,63 triệu USD (bao gồm 04 dự án đầu tư trong nước và 01 dự án FDI). Trong đó: Cấp mới cho 03 dự án đầu tư (02 dự án đầu tư trong nước và 01 dự án FDI); điều chỉnh tăng vốn 02 dự án đầu tư trong nước.

Công tác an sinh xã hội được địa phương quan tâm, chú trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế và đời sống xã hội đặc biệt trong dịp đón Xuân Nhâm Dần. Các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh thăm, tặng quà người có công với cách mạng, đối tượng xã hội trong dịp tết Nhâm Dần năm 2022 với số tiền trên 79,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bước sang quý II, kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp. Do đó, để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 đề ra là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.

( Nguồn: Cục thống kê tỉnh Định)

II. Một số đặc điểm về xu hướng thị trường lao động trên địa bàn.

Sự chuyển biến tích cực của thị trường lao động được thể hiện qua nhiều chỉ tiêu, kết quả khác nhau nhưng cơ bản được thông qua một số vấn đề sau:

2.1. Nhu cầu nhân lực

Nhu cầu tuyển dụng của các Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đăng ký tuyển dụng qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định quý I năm 2022 là 264 lượt doanh nghiệp với 32.101 việc làm trống tăng 20.025 việc làm trống so với quý I năm 2021.

2.1.1. Xét theo vị trí

Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quý I năm 2022 là 32.101 việc làm trống. Các doanh nghiệp tuyển dụng tập trung nhiều ở nhóm “Chuyên viên - Nhân viên” là 32.040 việc làm trống chiếm tới 99,81 %. Tiếp đến là nhóm “quản lý” chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 60 việc làm trống chiếm 0,19%, “cộng tác viên” không có việc làm trống chiếm 0,00%.

Hình 1. Cơ cấu nhu cầu tuyển dụng phân theo chức vụ

Đơn vị %

 

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý 1 năm 2022

2.1.2. Xét theo trình độ Chuyên môn kỹ thuật

Nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý I năm 2022 tập trung chủ yếu là “không yêu cầu bằng cấp” là 30.331 việc làm trống chiếm 94,49% (tăng 9,08 điểm phần trăm so với quý 1 năm 2021). Đặc điểm của Nam Định là một tỉnh có lợi thế, truyền thống phát triển về công nghiệp dệt may nên nhu cầu sử dụng nhiều lao động không yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật là một điều dễ hiểu. Tận dụng lợi thế này, tỉnh Nam Định đã làm rất tốt công tác giải quyết lao động cho người lao động cho mọi đối tượng từ lao động có trình độ chuyên môn cao đến những lao động phổ thông.

Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ “Trung cấp” là 1.322 việc làm trống chiếm 4,12 % (tăng 1,64 điểm phần trăm so với quý I năm 2021); trình độ “Cao đẳng” là 277 việc làm trống chiếm 0,86 % (giảm 4,19 điểm phần trăm so với quý I năm 2021). trình độ “đại học, đại học trở lên” là 171 việc làm trống chiếm 0,53% (giảm  6,53 điểm phần trăm so với quý 1 năm 2021);

Hình 2: Cơ cấu nhu cầu tuyển dụng phân theo trình độ CMKT

Đơn vị %

 

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý 1 năm 2022

2.1.3. Xét theo số năm kinh nghiệm

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định hầu hết là may mặc, giầy da,... cần nhiều lao động kể cả lao động "Chưa có kinh nghiệm" sau đó doanh nghiệp tự đào tạo tay nghề cho người lao động để phù hợp với dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp là 30.222 việc làm trống chiếm 94,51 % (tăng 29,92 điểm phần trăm so với cùng kỳ quý I năm 2021), lao động có "1 năm kinh nghiệm" là 1.460 việc làm trống chiếm 4,55 % (giảm 29,70 điểm phần trăm so với quý I năm 2021); "2 năm kinh nghiệm” là 266 việc làm trống chiếm 0,83% (giảm 0,50 điểm phần trăm so với quý I năm 2021); “3 năm kinh nghiệm” là 45 việc làm trống chiếm 0,14% (tăng 0,13 điểm phần trăm so với quý I năm 2021); “4 năm kinh nghiệm” trở lên là 106 việc làm trống chiếm 0,33% ( tăng 0,25 điểm phần trăm so với quý I năm 2021).

Hình 3: Nhu cầu tuyển dụng phân theo số năm kinh nghiệm

Đơn vị %.

 

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý I năm 2022

2.2. Nhu cầu tìm việc làm

Nhu cầu người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định và đăng ký qua trang Webbsite, facebook,… của trung tâm tìm kiếm việc làm quý I năm 2022 là 1.254 người (tăng 362 người so với quý I năm 2021).

2.2.1. Xét theo số năm kinh nghiệm

Người tìm việc "Chưa có kinh nghiệm" là 0 người chiếm 0,00% (giảm 18,42 điểm phần trăm so với quý I năm 2021), "1 năm kinh nghiệm" là 28 người chiếm 2,23% ( giảm 11,35 điểm phần trăm so với quý I năm 2021). "2 năm kinh nghiệm" là 111 người chiếm 8,85% ( giảm 3,78 điểm phần trăm so với quý I năm 2021), "3 năm kinh nghiệm" là 115 người chiếm 9,17% ( giảm 0,41 điểm phần trăm so với quý I năm 2021), " trên 4 năm kinh nghiệm" là 1.000 người lao động chiếm 79,74% (tăng 33,96 điểm phần trăm so với quý I năm 2021)

Hình 4: Người lao động tìm việc với số năm kinh nghiệm

 Đơn vị %

 

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý I năm 2022

2.2.2. Xét theo mức lương mong muốn

Theo số liệu tổng hợp từ nhu cầu tìm việc làm của người lao động quý I năm 2022, mức lương người lao động mong muốn nhiều nhất mức lương "7 -10 triệu" có 842 lao động chiếm 67,15% (tăng 32,09 điểm phần trăm so với quý I năm 2021); tiếp đến mức lương "5-7 triệu" có 405 lao động chiếm 32,30% (giảm 3,39 điểm phần trăm so với quý I năm 2021), mức lương "10-15 triệu" có 7 lao động chiếm 0,56% (giảm  1,02 điểm phần trăm so với quý I năm 2021), các mức lương “thỏa thuận”, “1-3 triệu” , "3-5 triệu", “trên 15 triệu” đều không có lao động chiếm 0,00%

Qua số liệu quý I năm 2021 và quý I năm 2022, mức lương mong muốn của người lao động muốn hưởng từ 5 triệu -10 triệu, mức lương mong muốn từ 1 triệu đến 5 triệu có xu hướng giảm dần.

Hình 5: Mức lương mong muốn của người lao động

Đơn vị %.

 

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý I năm 2022

Trong tổng số 1.254 lao động tìm kiếm việc làm quý I năm 2022 có 911 lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Người lao động “không có trình độ chuyên môm kỹ thuật” muốn hưởng mức lương “7-10 triệu” có 629 lao động chiếm 69,05%, mức lương “5-7 triệu” có 276 lao động chiếm 30,03%, tiếp theo mức lương mong muốn “10-15 triệu” có 6 lao động chiếm 0,66%, các mức lương còn lại không có người lao động lựa.

Hình 6: Mức lương mong muốn của người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật

Đơn vị %

 

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý I năm 2022

2.2.3. Kỹ năng mềm

Hình 7. Kỹ năng mềm chủ yếu của người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

 Đơn vị %

 

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý I năm 2022

Kỹ năng mềm là kỹ năng mà các nhà tuyển dụng hết sức chú trọng mỗi khi đánh giá năng lực của người lao động. Chính vì vậy mà người lao động trước khi đi tuyển dụng cũng đã trang bị, rèn luyện hết sức kỹ lưỡng. Qua khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định trong 18 kỹ năng mềm mà trung tâm đưa ra, kỹ năng mà người tìm việc đã trang bị nhiều nhất cho bản thân là “chịu được áp lực công việc” chiếm 30,72%, “giao tiếp ứng xử” chiếm 16,77%, “kỹ năng tập trung: chiếm 15,09%, “chủ động trong công việc” chiếm 12,46%, “giải quyết vấn đề” chiếm 6,53%, ....

3. Kết nối cung- cầu

3.1. Xét theo ngành nghề.

3.1.1. Xét vị trí việc làm của người lao động.

Trong tổng số 1.254 nhu cầu tìm việc làm của người lao động, những vị trí việc làm mà người lao động có nhu cầu tìm việc nhiều nhất tập trung ở nhóm vị trí “Thợ may, thêu và các thợ có liên quan” là 426 lao động chiếm 33,97%, trong khi đó doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng ở vị trí này là 19.220 việc làm trống chiếm 59,87%. Tiếp theo là vị trí “thợ lắp ráp, vận hành máy” có 142 lao động tìm việc chiếm 11,32% tổng số nhu cầu tìm của người lao động trong khi đó nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp có 10.245 vị trí việc làm trống chiếm 31,91%. Vị trí “nhân viên bán hàng” có 121 người lao động ứng tuyển chiếm 9,65% trong khi đó doanh nghiệp tuyển dụng ở vị trí này là 144 việc làm trống chiếm 0,45%. Vị trí “kế toán, thủ kho, nhân viên văn phòng” có 65 lao động ứng tuyển chiếm 5,18% tổng số người lao động tìm việc cũng ở vị trí này doanh nghiệm có nhu cầu tuyển dụng là 240 việc làm trống chiếm 0,75% tổng nhu cầu tuyển dụng,….

Có sự chênh lệch rất lớn cung - cầu trên thị trường lao động, với một số ngành nghề, nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng nguồn cung lại chỉ đáp ứng được một phần như vị trí “thợ may, thêu” trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt 18.794 lao động, vị trí “thợ lắp ráp, vận hành máy” thiếu hụt 10.103 lao động. Vào dịp đầu năm, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động phổ thông để hoàn thành hợp đồng sản xuất kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, một số ngành nghề như kế toán, hành chính nhân sự, … là những công việc mang tính chất đặc thù, nhà tuyển dụng luôn luôn gặp khó khăn để tìm ra những ứng viên phù hợp.

Hình 8. Cung cầu lao động

Đơn vị %

 

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý I năm 2022

3.2 Xét theo mức lương mong muốn của người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Trong tổng số 32.101 việc làm trống năm quý 1 năm 2022 có tới 10.314 vị trí việc làm trống “không có trình độ chuyên môn” chiếm 32,13% và trong số 1.254 lao động tìm kiếm việc làm thì có 911 lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm 72,65%.

Nhận thấy nhu cầu tìm việc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phổ thông,… chiếm tỷ trọng rất lớn. Trung tâm Dịch vụ việc làm Nam Định phân tích, so sánh mức lương mong muốn của người lao động “không có trình độ chuyên môn kỹ thuật” và mức lương mà doanh nghiệp sẵn sàng trả cho người lao động “không có trình độ chuyên môn kỹ thuật” khi được tuyển dụng.

Người lao động “không có trình độ chuyên môm kỹ thuật” muốn hưởng mức lương “7-10 triệu” có 629 lao động chiếm 69,05%, mức lương “5-7 triệu” có 276 lao động chiếm 30,03%, tiếp theo mức lương mong muốn “10-15 triệu” có 6 lao động chiếm 0,66%, các mức lương còn lại không có người lao động lựa.

Mức lương doanh nghiệp sẵn sàng trả cho người lao động “không có trình độ chuyên môn kỹ thuật” nhóm “7-10 triệu” có 2.820 vị trí chiếm 9,30%, nhóm “5-7 triệu” có 5.706 vị  trí chiếm 18,81%, nhóm “10-15 triệu” có 3.949chiếm 13,02%, … Đặc biệt có 17.830 vị trí việc làm mà doanh nghiệp lựa chọn hình thức “phỏng vấn” để trả lương khi tuyển dụng chiếm 58,78%

Xét theo mức lương thì không có sự chênh lệch nhiều giữa nhà tuyển dụng và doanh nghiệp, chủ yếu ở mức từ 5 đến 10 triệu”. Tuy nhiên, cung - cầu lao động vẫn có sự chênh lệch là do tổng số nhu cầu tuyển lao động không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật là 10.314 việc làm trống, trong khi đó số lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ có 911 người lao động đi tìm việc.

Hình 9: Mức lương mong muốn của người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật tương ứng với mức lương doanh nghiệp tuyển dụng sẵn sàng trả cho người lao động ở vị trí đó.

Đơn vị %

 

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý I năm 2022

3.3 Xét theo kỹ năng mềm

Nhu cầu tuyển dụng lao động quý 1 năm 2022 tập trung chủ yếu là đa phần là công nhân ngành công nghiệp, chế tạo như: dệt, may, giầy da, nhựa....  Bên cạnh những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm làm việc, nhiều doanh nghiệp cũng yêu cầu lao động phải trang bị được một số kỹ năng nhất định như: “kỹ năng giao tiếp ứng xử” chiếm 21,78%, “kỹ năng làm việc nhóm” chiếm 21,75%, “kỹ năng chịu áp lực công việc” chiếm 16,99%, “khả năng kết nối” chiếm 13,33%, “sự chủ động trong công việc” chiếm 9,79%, ….

Từ kết quả phân tích có thể thấy tỉ lệ giữa các nhóm kỹ năng doanh nghiệp yêu cầu cũng như người lao động trang bị cho mình chênh lệch không nhiều. "Chịu được áp lực công việc" chiếm 31,03%; “kỹ năng giao tiếp ứng xử” chiếm 17.48%, “kỹ năng tập trung” chiếm 14,61%, “sự chủ động” chiếm 12,27%, “kỹ năng giải quyết vấn đề” chiếm 6,46%,…

Trên thực tế tại Nam Định, đa phần là lao động đã có kinh nghiệm làm việc trong các ngành may mặc, dệt nhuộm...nên cũng đáp ứng được khá đầy đủ các yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng.

Hình 10. Năm kỹ năng mềm của người tìm việc và yêu cầu kỹ năng mềm của doanh nghiệp đối với Người lao động.

Đơn vị %

 

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý I năm 2022

Thị trường lao động ngày càng phát triển theo xu hướng đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp tạo nhiều chỗ việc làm mới thu hút lao động vào làm việc đặc biệt là lao động làm trong lĩnh vực dệt may, giầy da, … Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu tuyển dụng lao động quý I năm 2022; các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn nếu như mức lương và các chế độ đãi ngộ không tốt thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc tuyển dụng lao động vào làm việc. Tuy nhiên, thực trạng nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào công nhân dệt may, da giầy và không yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật nhưng số nhu cầu tìm việc làm ở lĩnh vực này lại ít, đa số người lao động có nhu cầu tìm việc tập trung vào những ngành như hành chính nhân sự, kế toán, … Đây là bị ảnh hưởng của thực trạng đào tạo “thừa thầy, thiếu thợ” của các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh.

III. Thực trạng lao động thất nghiệp

1. Kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Quý I năm 2022 tỉnh Nam Định có:

- 1.200 Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng;

- 29 Quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- 04 Quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- 15 Quyết định hủy hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- 34 Quyết định hỗ trợ học nghề;

- 09 Quyết định thu hồi tiền TCTN;

- 01 Quyết định bảo lưu thời gian hưởng TCTN;

- 85 Quyết định chấm dứt hưởng TCTN.

Bảng 1: Kết quả thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp

TT

NỘI DUNG

ĐVT

THỰC HIỆN QUÝ I/2021

THỰC HIỆN QUÝ I/2022

1

Số người nộp hồ sơ hưởng BHTN

Người

1.607

1.254

2

Số người sau khi được tư vấn không nộp hồ sơ hưởng BHTN

Người

91

30

3

Số người có quyết định hưởng TCTN hàng tháng

Người

1.682

1.200

4

Số người được chi trả TCTN

Người

1.663

1.191

5

Số người tạm dừng TCTN

Người

131

29

6

Số người tiếp tục hưởng TCTN

Người

60

4

7

Số quyết định bị hủy hưởng TCTN

16

15

8

Số người đăng ký học nghề

Người

34

34

9

Số người hưởng TCTN được tư vấn giới thiệu việc làm

Lượt

Người

1.632

1.366

10

Số người nhận được việc làm khi đang hưởng TCTN

Người

181

63

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý I năm 2022

2. Một số đặc điểm của lao động thất nghiệp.

Từ kết quả thu thập thông tin của 1.254 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý I năm 2022 của Phòng Bảo hiểm thất nghiệp báo cáo. Trung tâm Dịch vụ việc làm Nam Định đưa ra phân tích một số đặc điểm của lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định như sau:

2.1. Xét theo nhóm tuổi

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Trong quý I năm 2022 tập trung chủ yếu trong nhóm “31-35 tuổi” với 23,21%, tiếp đến từ các nhóm “26-30 tuổi” với 21.13%, nhóm tuổi “36-40 tuổi” chiếm  17.78%, nhóm tuổi “41-45 tuổi” chiếm 11,08%…

Theo số liệu tính toán, người thất nghiệp có xu hướng giảm khi độ tuổi ngày càng lớn. Nhóm tuổi 31-35 có tỷ lệ cao nhất và giảm dần theo các nhóm tuổi tiếp theo. Điều này phù hợp với thực tế khi mà càng lớn tuổi nhiều người có mong muốn ổn định công việc, không muốn thay đổi công việc do đó số lượng người thất nghiệp thấp hơn so với nhóm có độ tuổi trẻ hơn.

Hình 11. Tỷ lệ thất nghiệp phân theo nhóm tuổi

Đơn vi % 

 

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý I năm 2022

2.2. Xét theo trình độ chuyên môn kỹ thuật

Theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, những người lao động thất nghiệp tập trung lớn ở trình độ “cao đẳng”, sau đó lần lượt đến các nhóm “đại học” với tỷ lệ, và thấp nhất ở nhóm “sơ cấp nghề” .

Theo xu hướng chung của độ tuổi, số liệu người thất nghiệp được phân tổ theo trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng tuân theo quy luật giảm dần. Ở phân tổ (đại học và cao đẳng, lao động phổ thông), người thất nghiệp ở các trình độ này đều tập trung nhiều ở độ tuổi 26-30 tuổi và giảm dần ở các độ tuổi tiếp theo. Còn ở phân tổ (trung cấp) người lao động thất nghiệp tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi “31-35 tuổi”.

Hình 12. Tỷ lệ lao động thất nghiệp phân theo trình độ CMKT

Đơn vị %

 

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý I năm 2022

2.3. Xét theo nguyên nhân thất nghiệp

Nguyên nhân thất nghiệp của lao động chủ yếu là do nguyên nhân như hết hạn hợp đồng, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Và nguyên nhân lớn thất nghiệp quý 1 năm 2022 là do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới Virut 19 gây ra. Dịch bệnh làm ảnh hưởng rất lớn tới tình hình phát triển, ký hợp đồng đơn hàng của các doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng, và cả trong nước và các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó có rất nhiều lao động thất nghiệp tự nguyện (chủ động thất nghiệp). Sau một khoảng một thời gian làm việc, tích lũy đủ kinh nghiệm và kỹ năng, người lao động sẽ có thiên hướng tìm doanh nghiệp khác, các công việc khác có thu nhập tốt hơn (thăng tiến trong công việc hay hiện tượng "nhảy việc"). Điều này là phù hợp với số liệu khi mà theo số liệu tính toán thì nhóm lao động thất nghiệp tập trung chủ yếu vào những người trẻ tuổi (nhóm tuổi 26-30 tuổi), có trình độ "Đại học" hoặc "Lao động phổ thông, không có chuyên môn kỹ thuật" và nguyên nhân thất nghiệp là người lao động nộp đơn chấm dứt hợp đồng lao động.

Bảng 2: Nguyên nhân thất nghiệp

                                                                                                                                    Đơn vị: %

Nhóm tuổi/Nguyên nhân thất nghiệp

Do DN, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu,...

Hết hạn HĐ lao động, HĐ làm việc

Chấm dứt HĐ lao động, HĐ làm việc trước thời hạn

Bị sử lý kỷ luật, sa thải

Do đơn phương chấm dứt HĐ lao động, HĐ làm việc trái pháp luật

Mất việc làm do nguyên nhân khác

Tổng

19-25

0.00

28.83

3.60

0.00

0.00

67.57

100

26-30

0.38

18.87

5.66

0.38

0.00

74.72

100

31-35

0.00

13.06

8.93

0.00

0.00

78.01

100

36-40

0.00

13.00

9.42

0.00

0.00

77.58

100

41-45

0.00

10.79

9.35

0.00

0.00

79.86

100

46-50

0.00

9.43

7.55

0.00

0.00

83.02

100

51-55

0.00

10.00

10.00

0.00

0.00

80.00

100

56-60

0.00

17.07

7.32

0.00

0.00

75.61

100

61-69

0.00

0.00

0.00

0.00

0.00

100.00

100

Nguồn: Trung tâm DVVL Nam Định, Số liệu cập nhật quý I năm 2022

IV. Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

1. Hoạt động đào tạo, dạy nghề:

- Thiết lập và thực hiện đúng việc ghi chép, lưu trữ sổ sách chuyên môn;

- Thực hiện việc giáo dục, quản lý học viên theo đúng quy chế quản lý học sinh, sinh viên;

2. Hoạt động thu thập, khai thác thông tin thị trường lao động:

- Khai thác tốt thông tin thị trường, nắm chắc nguồn cung, cầu lao động để hoạt động sàn đạt kết quả cao, phấn đấu vượt chỉ tiêu, kế hoạch Sở giao;

- Thu thập, phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động;

- Mua sắm, xây dựng, hoàn thiện các phần mềm phục vụ cho công tác thu thập, đăng nhập thông tin thị trường;

- Tổ chức xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu (kho dữ liệu TTLĐ của Trung tâm)

3. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động xuất khẩu:

- Đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho cá nhân và tập thể người lao động;

- Tổ chức khai thác mạnh nguồn lao động xuất khẩu, phấn đấu đảm bảo những lao động đã nộp hồ sơ dự tuyển đều có cơ hội trúng tuyển.

4. Hoạt động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp:

- Thực hiện việc đăng ký, tiếp nhận hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định. Tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc về chế độ chính sách Bảo hiểm thất nghiệp;

- Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, giúp lao động sớm quay lại thị trường lao động

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động.

Trên đây là nội dung Báo cáo Phân tích thị trường lao động tỉnh Nam Định quý I năm 2022. Trong quá trình thực hiện, báo cáo có thể còn tồn tại nhiều thiếu sót xuất phát từ những hạn chế về nhân lực và nguồn số liệu. Rất mong nhận được sự góp ý từ các tổ chức, cá nhân để báo cáo ngày càng hoàn thiện hơn./.

 

Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật của Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Trung tâm Quốc gia Dịch vụ việc làm, Cục việc làm ( Bộ Lao động – TBXH, Các số liệu được cung cấp bởi các Phòng, Ban liên quan,…

Chịu trách nhiệm xuất bản: TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM NAM ĐỊNH

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin liên hệ: Phòng Khai thác thông tin thị trường

Điện thoại: (+84)0228.848.847 Email: ttgtvlamdinhgmail.com

Website:http://www.vieclamnamdinh.gov.vn,

Facebook: TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM TỈNH NAM ĐỊNH